Ngày đăng 23/06/2021 | 11:11 AM

Phụ nữ có thai và Viêm gan B

Lượt xem: 288 | Chia sẻ: 0
(DrChu) Đây là một vấn đề rất đáng được lưu tâm vì viêm gan B không những có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ mà còn có thể lây truyền dọc sang cho con.

 Một vấn đề luôn luôn đặt ra với bà mẹ bị viêm gan B mạn đang mang thai là lợi ích của việc dùng các thuốc để điều trị bệnh cho người mẹ liệu có thể có ảnh hưởng không tốt đến cho thai nhi hay không. Với các trường hợp nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính đa phần nếu không phải trong giai đoạn viêm gan tiến triển thì nhìn chung không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Sau khi sinh con, có khoảng 1/3 số trường hợp các bà mẹ bị viêm gan B mạn có thể bị bùng phát mức độ nhẹ. Trong trường hợp viêm gan B mạn bùng phát ở phụ nữ sau sinh thì chỉ định điều trị kháng vi rút tương tự như các trường hợp bị viêm gan B nói chung. Ngoài ra, nếu bà mẹ đã biết bị viêm gan B mà có dự định có thai thì PEG-INF có thể lựa chọn để điều trị do với phác đồ này chỉ có thời gian điều trị nhất định sau đó sẽ dừng thuốc.

Trong các trường hợp bệnh gan đang tiến triển, hoặc trên các cơ địa chống chỉ định dùng liệu pháp PEG-IFN thì điều trị với các thuốc Nucleotide là lựa chọn ưu tiên. Dựa trên kinh nghiệm điều trị ở bệnh nhân HIV (dùng 3 loại thuốc kháng vi rút trong đó có Lamivudine hoặc Tenofovir, họ vẫn điều trị liên tục trong suốt thời kỳ mang thai nhưng ở những đứa trẻ được sinh ra thì tỷ lệ mắc dị tật bẩm sinh thường gặp cũng chỉ tương đương như tỷ lệ ngẫu nhiên thông thường. Do đó, Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo rõ, với phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ có bệnh viêm gan B tiến triển thì Tenofovir (TDF) là sự lựa chọn ưu tiên vì thuốc không phải dừng nếu bệnh nhân có thai, vẫn được phép uống thuốc này trong suốt thời kỳ mang thai. Mặc dù, Tenofovir được đào thải một lượng rất nhỏ qua sữa mẹ, nhưng các nghiên cứu và thống kê cho thấy tính an toàn cho trẻ bù mẹ, do đó vẫn cho trẻ bú mẹ bình thường nếu chẳng may người mẹ bị viêm gan B và phải điều trị kháng vi rút.

              Bên cạnh chỉ định dùng thuốc để điều trị cho mẹ, cần cân nhắc sử dụng liệu pháp kháng vi rút cho mẹ nữa nếu nguy cơ lây nhiễm dọc từ mẹ sang con là cao. Trên thế giới, các bệnh nhân bị viêm gan B do bị lây truyền dọc từ mẹ bị viêm gan B chiếm tới hơn một nửa. Ở vùng dịch HBV lưu hành cao như Việt Nam, thậm chí 70-90% số trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị viêm gan B có HBeAg dương tính bị mắc viêm gan B nếu không được dự phòng viêm gan B ngay sau sinh. Hơn nữa, nếu trẻ em bị nhiễm vi rut viêm gan B thì có tới 90% sẽ tiến tới bị nhiễm HBV mạn tính. Chính vì thế, vấn đề sàng lọc viêm gan B đặc biệt ở phụ nữ có thai là điều rất quan trọng ở các nước lưu hành viêm gan B để không những có thể chủ động điều trị, quản lý tình trạng sức khỏe người mẹ mà còn chủ động để dự phòng lây nhiễm sang cho con.  Những đứa trẻ được sinh ra từ các bà mẹ vị Viêm gan B mà được tiêm Globulin kháng viêm gan B và tiêm vaccine viêm gan B chủ động trong vòng 12 giờ sau sinh đã được chứng minh giúp giảm rõ rệt tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con (từ 90% xuống nhỏ hơn 10%). Khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con phụ thuộc nhiều yếu tố trong đó đặc biệt là phụ thuộc lượng vi rút viêm gan B trong huyết tương người mẹ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng với các bà mẹ có tải lượng HBV-DNA cao >10 7 IU/ml thì đứa trẻ sinh ra mặc dù đã tiêm vaccine dự phòng và kháng huyết thành thì cẫn còn khoảng 10% vẫn bị viêm gan B. Trong trường hợp này , điều trị dự phòng với thuốc kháng vi rút có thể làm giảm hơn nữa nguy cơ này. Điều này đã được chứng minh rõ ràng khi điều trị kháng vi rút cho bà mẹ ở 3 tháng cuối thai kỳ với Lamivudin, hoặc Telbivudine, hoặc Tenofovir. Do vậy, từ tuần thứ 28 đến tuần thứ 32 của thai kỳ với các bà mẹ có tải lượng vi rút cao trên  200 000 IU/ml thì nên được điều trị kháng vi rút để làm giảm nguy cơ lây bệnh cho con. Sau khi đẻ có thể ngừng thuốc điều trị kháng vi rút ở nhứng bà mẹ không có chỉ định điều trị kháng vi rút. Ngoài ra, ở phù nữ nhiễm vi rút viêm gan B đang mang thai thì các thủ thuật như chọc dò dịch ối, hoặc bệnh lý tổn thương màng ối cũng đã được ghi nhận có khả năng lây viêm gan B cho con dù khả năng này còn rất ít.  Liệu pháp kháng viruts có thể dừng sau khi đẻ ở những bà mẹ không có chỉ định điều trị kháng vi rút. Cuối cùng, lây nhiễm qua chọc dò ối hoặc tổn thương màng ối cũng được ghi nhận nhưng khả năng này là rất thấp. Trong việc lây viêm gan B từ mẹ sang con, giữa đẻ thường và đẻ mổ chưa ghi nhận có sự khác biệt.

              Nhìn chung, ở phụ nữ đang mang thai mắc bệnh viêm gan B thì việc phối hợp giữa bác sỹ chuyên nghành điều trị viêm gan B và các bác sỹ sản khoa sẽ đảm bảo sức khỏe và mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho mẹ mà còn cả cho thai nhi. Nếu các bạn cần tư vấn chi tiết hơn về vấn đề này xin hãy liên hệ với DrChu để được tư vấn cụ thể hơn từng trường hợp ./.

DrChu
Lượt xem: 288 | Chia sẻ: 0