Phần lớn các bệnh nhân viêm gan C đều không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt cho đến khi đã có biểu hiện xơ gan. Đôi khi có thể mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, đau nhẹ hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa, đau cơ…và đôi khi có các biểu hiện ngoài gan: đau khớp, viêm da, cryoglobulin máu, viêm cơ tim, viêm cầu thận tăng sinh màng…(đề cập chi tiết ở phần khác). Khai thác yếu tố tiền sử có thể bệnh nhân trong quá khứ dùng chung bơm kim tiêm, hoặc làm các thủ thuật xâm lấn, phẫu thuật: ví dụ soi dạ dày có sinh thiết, các phẫu thuật ngoại khoa…hoặc quan hệ tình dục không an toàn với người bị viêm gan C.
Tuy nhiên, các yếu tố trên đều không đặc hiệu, có thể là triệu chứng gợi ý nguy cơ bị viêm gan C cần kiểm tra. Biện pháp tích cực chủ động nhất là làm các xét nghiệm sàng lọc viêm gan C
*Các xét nghiệm phát hiện kháng thể kháng vi rút viêm gan C trong máu
1, Các xét nghiệm Test nhanh (rapid test): hay áp dụng các phòng khám nhỏ, ưu điểm của các test nhanh là dễ làm, cho kết quả nhanh, giá thành rẻ nhưng tùy thuộc loại kit xét nghiệm độ chính xác không cao, có giá trị sơ bộ, nhiều trường hợp âm tính giả.
2, Các xét nghiệm Elisa anti HCV: có độ chính xác cao hơn, giá thành cao hơn, cần trang bị phòng xét nghiệm để thực hiện.
Cả 2 xét nghiệm trên nếu dương tính có nghĩa là bệnh nhân đã mắc hoặc có thể vẫn đang mắc viêm gan vi rút C. Sau khi nhiễm vi rút viêm gan C có thể tự khỏi hoặc được điều trị khỏi thì xét nghiệm Anti HCV vẫn còn dương tính lâu dài. Khi xét nghiệm này dương tính cần chỉ định thêm các xét nghiệm để khẳng định tình trạng bệnh lí.
Các xét nghiệm này âm tính bệnh nhân vẫn có thể mắc vi rút viêm gan C đặc biệt trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch: bệnh nhân HIV, chạy thận nhân tạo, điều trị thuốc ức chế miễn dịch…
*Các xét nghiệm phát hiện kháng nguyên, vật chất di truyền
- Xét nghiệm tải lượng vi rút HCV: đây là phương pháp có độ nhạy và chính xác nhất, có thể phát hiện vi rút viêm gan C sau nhiễm 2 tuần, vừa có giá trị chẩn đoán tình trạng bệnh vừa có giá trị trong theo dõi điều trị.
- Xét nghiệm phát hiện kháng nguyên lõi HCVcAg: dương tính xác định đang nhiễm vi rút viêm gan C
Với kinh nghiệm hơn 15 năm nghiên cứu, trực tiếp điều trị các bệnh nhân viêm gan C, vấn đề chẩn đoán, điều trị viêm gan C đã có bước phát triển đột phá với sự xuất hiện các thuốc kháng vi rút trực tiếp với tỷ lệ thành công cao trên 90%. Với khoảng gần 10% còn lại, cần phân tích kỹ các nguyên nhân thất bại để có chiến lược điều trị tiếp tục./.